THỰC ĐƠN
Chọn một ngôn ngữ

Vấn đề tiền bạc | Đại học Ritsumeikan Châu Á Thái Bình Dương (APU)

Đại học Ritsumeikan Châu Á Thái Bình Dương (APU) Tuyển sinh Chương trình Đại học

Tài chính và Chi phí sinh hoạt

Quản lý tài chính cá nhân là một vấn đề rất quan trọng và cần thiết trong cuộc sống của một sinh viên. Dưới đây là những thông tin cơ bản về vấn đề tài chính và chi phí sinh hoạt tại Nhật Bản.

Đơn vị tiền tệ

Yên Nhật (JPY) là đơn vị tiền tệ duy nhất được chấp nhận ở Nhật Bản, ngoại trừ những địa điểm như sân bay. Tiền Yên Nhật có các mệnh giá sau: Đồng 500 Yên, 100 Yên, 50 Yên, 10 Yên, 5 Yên, 1 Yên và Tiền giấy 10.000 Yên, 5.000 Yên, 2.000 Yên và 1.000 Yên. Click vào Đây để chuyển đổi về mệnh giá tiền Việt.

Phương thức thanh toán ở Nhật bản

Tiền mặt là hình thức thanh toán phổ biến nhất ở Nhật Bản. Bạn có thể dễ dàng rút tiền mặt từ các cây ATM có sẵn trong khuôn viên trường và nhiều nơi như ngân hàng, trung tâm mua sắm và cửa hàng tiện lợi. Trong những buổi hướng dẫn đầu khóa, bạn sẽ được đăng ký mở tài khoản ngân hàng tại Nhật Bản.

Thẻ tín dụng (VISA, MasterCard, American Express và JCB) có thể được sử dụng tại hầu hết cửa hàng bách hóa và siêu thị, ngoại trừ một số cửa hàng và nhà hàng. Thanh toán bằng Séc sẽ không được chấp nhận. Bên cạnh đó, Thanh toán điện tử thông qua điện thoại di động cũng dần trở thành một phương thức phổ biến.

Chi phí sinh hoạt

Tại APU, chi phí sinh hoạt dễ chịu hơn nhiều so với các thành phố lớn, khi bạn được sử dụng đầy đủ tiện ích và dịch vụ với chất lượng tương đương trong khi chi phí lại thấp hơn nhiều. Đơn cử, chi phí thuê nhà thường chỉ bằng một nửa so với ở Tokyo hay Osaka. Hệ thống phương tiện công cộng cũng thuận tiện để có thể di chuyển trong thành phố một cách dễ dàng, tiết kiệm thời gian và tiết kiệm chi phí nữa (vì sinh viên sẽ được giảm giá khi mua vé xe buýt và tàu điện).

Dưới đây là ví dụ về chi phí sinh hoạt một tháng của một sinh viên APU (Trong trường hợp học phí đã được chi trả).

Chi phí:
Tiền nhà: 30.000-45.000 JPY (5.200.000 - 7.800.000 VND) 
Tiện ích: 6.000 JPY (1.100.000 VND)
Ăn uống: 30.000 JPY (5.200.000 VND)
Di chuyển: 6.000 JPY (1.100.000 VND)  *
Chi phí khác: 8.000 JPY (1.400.000 VND)

  • *Về phương tiện đi học tới APU, sinh viên năm 2- năm 4 sống ngoài khuôn viên trường có thể mua vé xe buýt 1 năm vào đầu năm học với chi phí rơi vào khoảng 60.000-100.000 JPY (10.400.000 - 17.300.000 VND)  tùy thuộc vào loại vé và nơi bạn sinh sống. Còn sinh viên năm nhất thường sẽ không cần mua loại vé này vì đã sống ngay trong ký túc xá. Khi đó, chi phí di chuyển ở trên có thể dành cho các nhu cầu di chuyển khác.

Nên mang bao nhiêu tiền đến Nhật Bản?

Khi mới đến APU, bạn sẽ cần mang theo đủ tiền mặt chi tiêu trong hai tháng đầu tiên, vì việc lập tài khoản ngân hàng tại đây sẽ mất chút thời gian nên bạn sẽ chưa thể nhận được tiền từ gia đình gửi sang ngay. Theo chúng tôi, số tiền phù hợp đem theo là 200.000 JPY (34.600.000 VND) để trang trải chi phí sinh hoạt trong giai đoạn này. Trong một số trường hợp, bạn vẫn có thể rút tiền từ thẻ thanh toán quốc tế qua cây ATM, tuy nhiên sẽ mất một khoản phí nhất định.

Tốt nhất, bạn nên đổi tiền sang tiền Yên Nhật hoặc Đô la Mỹ trước khi sang đây. Nếu bạn mang Đô la Mỹ, vui lòng đổi tiền tại sân bay khi hạ cánh, do xung quanh APU không cung cấp dịch vụ đổi tiền.

Việc làm bán thời gian

Đối với sinh viên quốc tế có visa du học, sau khi được Cục Xuất nhập cảnh Nhật Bản cấp giấy phép làm việc hợp pháp, bạn có thể làm việc bán thời gian trong và ngoài khuôn viên trường tối đa 28 giờ/tuần trong thời gian học kỳ và 40 giờ/tuần trong các kỳ nghỉ. APU cũng cung cấp các dịch vụ giúp bạn xin giấy phép làm việc hợp pháp nhanh chóng. Mức lương thường dao động từ mức lương tối thiểu 822 JPY (142.000 VND) đến 1.200 JPY (210.000 VND) một giờ. Bạn có thể tìm các công việc bán thời gian trong khuôn viên trường thông qua Văn phòng Sinh viên và các công việc bên ngoài khuôn viên trường thông qua các trang web và báo tuyển dụng địa phương.

Nhiều sinh viên lựa chọn làm việc tại nhà ăn, cửa hàng tiện lợi, siêu thị, thư viện và trung tâm truyền thông, cũng như là trợ giảng. Một số công việc khác ngoài khuôn viên trường như làm gia sư tiếng Anh, nhân viên khách sạn, nhà hàng và cửa hiệu. Với lợi thế là thành phố du lịch, do đó nhu cầu nhân lực ngành dịch vụ và khách sạn là rất lớn. Sinh viên hoàn toàn có thể làm thêm những công việc thời vụ đó vào cuối tuần hoặc kỳ nghỉ mà không bị ảnh hưởng đến việc học.

Xin lưu ý, các vị trí công việc bán thời gian có thể có sự thay đổi. Thêm vào đó, trong khi công việc trong khuôn viên trường không yêu cầu tiếng Nhật, những công việc ngoài trường sẽ yêu cầu bạn ít nhất phải giao tiếp cơ bản được bằng tiếng Nhật.

Hội thảo trực tuyến
ĐẦU TRANG